Bò vỗ béo thiếu thị trường ổn định

Hơn 10 năm nay, chị Từ Thị Yến (43 tuổi, thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn) gắn bó với nghề nuôi bò vỗ béo.
Mỗi năm, vợ chồng chị phải đi khắp nơi để chọn giống bò với độ tuổi từ 24-36 tháng.
Để đàn bò được vỗ béo đúng chất lượng, với 3 con, mỗi lần cho ăn chị trộn 20kg bắp, 40kg cám đậm đặc và gần 10kg thực phẩm (hèm rượu, mì, cỏ…)
“Lúc đầu, tôi mua 3 con bò với giá gần 100 triệu đồng, sau 3 tháng vỗ béo thì bán được 110 triệu đồng.
Mỗi ngày bò ngày ăn 3 lần và chi phí ăn uống cho chúng khoảng 1,5 triệu đồng/ tháng/con.
Giá cả ổn định thì không sao, chứ thương lái đến mua giá thấp, mà người chăn nuôi bắt buộc phải bán để nuôi lứa tiếp theo thì lời lãi thấp lắm”- chị Yến chia sẻ.
Ông Đỗ Văn Sửu (57 tuổi, thôn Cù Lâm), cho hay, muốn nuôi bò vỗ béo hiệu quả phải có kinh nghiệm.
“Khi chọn con giống phải là bò lai, không bệnh tật, bộ khung xương to, vai rộng, đùi ngay thẳng, mông và bản lưng lớn, độ tuổi của bò không quá già… Bò phải được tiêm vaccine phòng bệnh và chuồng trại luôn sạch sẽ.
Ngoài ra, nguồn thức ăn phải phong phú, đầy đủ chất dinh dưỡng như cỏ, rơm.
Người nuôi có thể tận dụng bã hèm từ nghề nấu rượu kết hợp với bột mì, bột bắp, cám…” - ông Sửu tiết lộ.
Được xem là vùng đất tiên phong trong việc nuôi bò vỗ béo, xã Nhơn Lộc hiện có hơn 1.000 hộ dân chăn nuôi bò theo hình thức này.
Ông Trương Thanh Liêm - cán bộ khuyến nông xã Nhơn Lộc cho biết: “Năm nay, tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tung bò ra thị trường quá nhiều nên tiêu thụ bò vỗ béo tại địa phương chậm và giá cả hạ 2-3 triệu đồng/con.
Để cạnh tranh, nhiều hộ dân nuôi bò vỗ béo đã áp dụng nuôi bò tơ lỡ, hạn chế nuôi bò già”.
Theo ông Đào Văn Hùng- Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định, địa phương này có khoảng 270.000 con bò. Riêng về mô hình nuôi bò vỗ béo đã tồn tại hàng chục năm qua và đang rất “thịnh”.
“Tuy nhiên, người chăn nuôi đang gặp khó khăn về tiêu thụ và có khi bị thương lái o ép giá.
Hiện nay, thương lái thu mua bò vỗ béo chỉ tiêu thụ tại thị trường nhỏ lẻ, sức mua yếu và chỉ thông qua hợp đồng miệng mà không có biên bản rõ ràng hay mang tính ràng buộc pháp lý với nông dân.
Vì thế, việc liên kết chuỗi giữa người chăn nuôi và đại lý thu mua rất bấp bênh”- ông Hùng chia sẻ.
Để khắc phục tình trạng trên, ông Hùng cho biết: “Bình Định đang xây dựng thương hiệu bò chất lượng cao, chúng tôi kêu gọi doanh nghiệp đầu tư với nhiều chính sách ưu đãi.
Đồng thời, tỉnh hỗ trợ người chăn nuôi về con giống, đào tạo kỹ thuật chăm sóc; tạo chuỗi liên kết khép kín từ con giống đến đầu ra tiêu thụ sản phẩm như chợ bò, thành lập tổ, chuỗi thu gom...
Lúc đó, người chăn nuôi không lo bị o ép giá hoặc thị trường ế ẩm, thu nhập được nâng cao”.
Có thể bạn quan tâm

Với diện tích 700m2 vườn, nông dân trẻ Tạ Công Soái (SN 1982, ở thôn Đồng Nhân, xã Đông La, huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã có doanh thu cả tỷ đồng mỗi năm.

Nguyễn Ngọc Quyết (1984) mát tay với nghề nuôi rắn. Quyết đang sở hữu trang trại nuôi rắn hổ trâu "khủng" với thu nhập nửa tỷ đồng mỗi năm.

Với nỗ lực các cấp, ngành từ T.Ư đến địa phương, nhiều năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc Khmer vùng Tây Nam Bộ giảm, đời sống người dân được nâng lên

Hiện nay, diện tích khoai lang Nhật của anh Bình bắt đầu vào vụ thu hoạch. Năng suất ruộng khoai được đánh giá đạt bình quân 18 tấn củ/ha

Mỗi ngày gia đình anh Phùng Văn Phương đưa ra thị trường 30kg rau mầm, thu về trên 1 triệu đồng, trừ chi phí anh bỏ túi trên 12 triệu đồng/tháng.